Hiệu chuẩn là gì? Hiệu chuẩn để làm gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả đo lường, và tầm quan trọng của hiệu chuẩn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như thế nào?

1. Khái niệm hiệu chuẩn:

Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo. (Theo Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011).

 

Trong đó: Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện, duy trì đơn vị đo của đại lượng đo và được dùng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác. Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo. Phép đo là tập hợp những thao tác để xác định giá trị đo của đại lượng cần đo.

2. Tác dụng của việc hiệu chuẩn:

Hiệu chuẩn là hoạt động thường xuyên của người sử dụng thiết bị để đảm bảo thiết bị đo luôn luôn trong tình trạng chính xác do trong quá trình hoạt động thiết bị sẽ bị sai lệch bởi tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Sau khi hiệu chuẩn, nếu thiết bị đo lường không đảm bảo yêu cầu đo lường theo các tiêu chuẩn đề ra thì thiết bị cần được sửa chữa, căn chỉnh lại. Công việc này gọi là hiệu chỉnh, nhằm mục đích đưa thiết bị đo hoạt động chính xác trở lại để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

3. Khi nào nên hiệu chuẩn

Đối với các thiết bị mới và các thiết bị đang sử dụng mà đến hạn hiệu chuẩn do nhà sản xuất khuyến cáo hoặc do nhu cầu của tổ chức sử dụng thiết bị. Ngoài ra trong quá trình sử dụng thiết bị/phương tiện đo người sử dụng phải kiểm tra lại độ chính xác bằng cách đưa vật chuẩn/chất chuẩn để đo lại. Nếu sai số vượt giới hạn cho phép thì phải tiến hành hiệu chuẩn lại.

Khác với kiểm định, hiệu chuẩn là hoạt động tự nguyện, không bắt buộc phải thực hiện. Nhưng nhờ có hiệu chuẩn mà người ta có thể đo đạt, tính toán được để giảm thiểu tối đa những sai lệch trong thiết bị. Đôi khi những thiết bị cao cấp chưa chắt đảm bảo duy trì được chỉ số đo lường chính xác tuyệt đối, thế nên bạn luôn cần dựa vào hiệu chuẩn để xác nhận lại các sai số, nguy cơ phương tiện có lỗi để không phải sử dụng kết quả đo lường sai, gây ảnh hưởng trong sản xuất.

4. Tầm quan trong của hiệu chuẩn thiết bị đo lường

Duy trì mọi giá trị trong hệ thống tiêu chuẩn cũng như hệ thống của những phương tiện đem ra đo lường. Đồng thời duy trì sự liên kết của các giá trị đó với chuẩn đo lường để đảm bảo sự chính xác và thống nhất của việc đo đạc các thông số .

Làm tăng mức độ tin cậy, uy tính của phương tiện đo và kết quả đo.

Kịp thời phát hiện sai phạm, hỏng hóc giúp kịp thời sửa chửa phương tiện đo.

Giúp người dùng đánh giá được phương tiện đo còn phù hợp và đáp ứng yêu cầu sử dụng hay không.

5. Rủi ro khi không hiệu chuẩn thiết bị

Hoạt động hiệu chuẩn sẽ gây tốn kém chi phí cũng như thời gian của các đơn vị, do đó ở một số nơi sẽ thường lơ là hoặc không thực hiện việc hiệu chuẩn. Khi chúng ta đã biết được tầm quan trọng của việc hiệu chuẩn thì việc bỏ qua hoạt động này có thể gây ra tác hại lớn đối với hoạt động sản xuất và doanh nghệp.

Nguy cơ lớn nhất là sản phẩm không đạt chất lượng do các thiết bị không được hiệu chuẩn, hoặc hiệu chuẩn không đảm bảo, có thể khiến công ty thu hồi một loạt sản phẩm gây thiệt hại về kinh tế.

Thêm vào đó, nếu không tiến hành hiệu chuẩn thì rất có thể máy móc của công ty sẽ được đặt ở nguy hiểm, không phù hợp với điều kiện làm việc của thiết bị, có thể làm cho máy móc bị hư hại và ảnh hưởng đến an toàn của người lao động.

Tương tự, nếu sản phẩm được sản xuất trong điều kiện hệ thống thiết bị không được hiệu chuẩn thì có thể gây ra tác hại đến người tiêu dùng. Tùy từng trường hợp và mức độ nghiêm trọng gây ra cho quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm với cơ quan chức năng, hoặc tước giấy phép kinh doanh do không đảm bảo đáp ứng được các nhu cầu về hoạt động sản xuất.

6. Việc hiệu chuẩn tiến hành như thế nào

Hiệu chuẩn là hoạt động tự nguyện của các doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn lao động. Thế nhưng việc hiệu chuẩn đòi hỏi cần có trang thiết bị và nguồn nhân lực được đào tạo nên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để tự tổ chức hiệu chuẩn cho cả một hệ thống thiết bị của mình.

Toàn bộ các thiết bị khi được hiệu chuẩn cần đáp ứng đầy đủ theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2017. Do đó, các đơn vị đạt được chứng nhận này mới có đủ năng lực để hiệu chuẩn các thiết bị đo lường.

Vì vậy, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn lao động, hạn chế rủi ro thì các thiết bị trong hệ thống nên được hiệu chuẩn định kỳ nhé.

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *