QUỐC HỘI Luật số: 04/2011/QH13 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
LUẬT
ĐO LƯỜNG
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật đo lường.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Đo lường là việc xác định, duy trì giá trị đo của đại lượng cần đo.
- Hoạt động đo lường là việc thiết lập, sử dụng đơn vị đo, chuẩn đo lường; sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; thực hiện phép đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; quản lý về đo lường; thông tin, đào tạo, tư vấn, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường.
- Hệ đơn vị đo quốc tế (viết tắt theo thông lệ quốc tế là SI) là hệ thống đơn vị đo có tên gọi, ký hiệu và quy tắc thiết lập các đơn vị ước, bội cùng với quy tắc sử dụng chúng được Đại hội cân đo quốc tế chấp thuận.
- Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện, duy trì đơn vị đo của đại lượng đo và được dùng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.
Chất chuẩn là một loại chuẩn đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định đối với một hoặc một số thuộc tính. Chất chuẩn được sử dụng để hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị, phương tiện đo, đánh giá phương pháp đo hoặc để xác định giá trị về thành phần, tính chất của vật liệu hoặc chất khác.
- Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.
- Phép đo là tập hợp những thao tác để xác định giá trị đo của đại lượng cần đo.
- Hàng đóng gói sẵn theo định lượng (sau đây gọi là hàng đóng gói sẵn) là hàng hóa được định lượng, đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua.
- Kiểm định là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.
- Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.
- Thử nghiệm là việc xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.
- Yêu cầu kỹ thuật đo lường là tập hợp các quy định về đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo hoặc lượng của hàng đóng gói sẵn do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
- Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định là tổ chức đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan, được cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền xem xét, đưa vào danh sách để tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
- Dấu định lượng là ký hiệu để công bố lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động đo lường
- Đo lường phải bảo đảm tính thống nhất, chính xác.
- Hoạt động đo lường phải bảo đảm:
- a) Minh bạch, khách quan, chính xác; công bằng giữa các bên trong mua bán, thanh toán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- b) An toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường;
- c) Thuận lợi cho giao dịch thương mại trong nước và quốc tế;
- d) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường;
đ) Phù hợp với thông lệ quốc tế;
- e) Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hoạt động đo lường trên cơ sở bảo đảm tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về đo lường
- Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng và duy trì hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các yêu cầu về đo lường đối với chuẩn quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý.
- Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực về đo lường; đẩy mạnh xã hội hóa đối với các hoạt động đo lường sau đây:
- a) Thiết lập và duy trì chuẩn đo lường;
- b) Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;
- c) Sản xuất phương tiện đo, chuẩn đo lường;
- d) Đào tạo, tư vấn, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường.
- Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động đo lường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về đo lường.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đơn vị đo pháp định để thay thế đơn vị đo khác; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động đo lường phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên sử dụng tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được công nhận, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phục vụ quản lý nhà nước về đo lường.
Điều 6. Hợp tác quốc tế về đo lường
- Hợp tác quốc tế về đo lường được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi.
- Hợp tác quốc tế về đo lường được thực hiện thông qua các hoạt động sau đây:
- a) Ký kết điều ước quốc tế về đo lường; gia nhập tổ chức quốc tế về đo lường; ký kết thỏa thuận, thừa nhận kết quả phép đo, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm giữa tổ chức của Việt Nam với tổ chức tương ứng của các quốc gia, chủ thể khác của pháp luật quốc tế;
- b) Thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế;
- c) Trao đổi chuyên gia, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đo lường với các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế;
- d) Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ;
đ) Phối hợp giải quyết tranh chấp.
Điều 7. Những hành vi bị cấm
- Lợi dụng hoạt động đo lường để gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Cố ý làm sai lệch phương tiện đo, kết quả đo.
- Cố ý cung cấp sai, giả mạo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
- Giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa nội dung trên dấu định lượng, dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định.
CHƯƠNG II
ĐƠN VỊ ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
Mục 1
ĐƠN VỊ ĐO
Điều 8. Phân loại đơn vị đo
- Đơn vị đo bao gồm đơn vị đo pháp định và đơn vị đo khác.
- Đơn vị đo pháp định bao gồm:
- a) Đơn vị đo cơ bản thuộc Hệ đơn vị đo quốc tế;
- b) Các đơn vị đo dẫn xuất thuộc Hệ đơn vị đo quốc tế;
- c) Bội thập phân, ước thập phân của đơn vị đo quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
- d) Đơn vị đo không thuộc Hệ đơn vị đo quốc tế phù hợp với tập quán trong nước và thông lệ quốc tế được quy định;
đ) Đơn vị đo được thiết lập bằng tổ hợp các đơn vị đo quy định tại điểm a, b, c và d khoản này.
- Đơn vị đo cơ bản thuộc Hệ đơn vị đo quốc tế bao gồm:
- a) Đơn vị đo độ dài là mét, ký hiệu là m;
- b) Đơn vị đo khối lượng là kilôgam, ký hiệu là kg;
- c) Đơn vị đo thời gian là giây, ký hiệu là s;
- d) Đơn vị đo cường độ dòng điện là ampe, ký hiệu là A;
đ) Đơn vị đo nhiệt độ nhiệt động học là kenvin, ký hiệu là K;
- e) Đơn vị đo lượng chất là mol, ký hiệu là mol;
- g) Đơn vị đo cường độ sáng là candela, ký hiệu là cd.
- Chính phủ quy định chi tiết đơn vị đo pháp định.
- Đơn vị đo khác bao gồm đơn vị đo cổ truyền và đơn vị đo không quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 9. Sử dụng đơn vị đo
- Đơn vị đo pháp định phải được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
- a) Trong văn bản do cơ quan nhà nước ban hành;
- b) Trên phương tiện đo sử dụng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác;
- c) Ghi lượng của hàng đóng gói sẵn;
- d) Trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phương tiện đo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này;
đ) Trong hoạt động bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường.
- Đơn vị đo khác được sử dụng theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp giải quyết tranh chấp có liên quan đến sử dụng đơn vị đo khác với đơn vị đo pháp định thì phải quy đổi sang đơn vị đo pháp định.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Mục 2
CHUẨN ĐO LƯỜNG
Điều 10. Hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo
- Chuẩn đo lường quốc gia (sau đây gọi là chuẩn quốc gia) là chuẩn đo lường cao nhất của quốc gia được dùng để xác định giá trị đo của các chuẩn đo lường còn lại của lĩnh vực đo.
- Chuẩn đo lường chính (sau đây gọi là chuẩn chính) là chuẩn đo lường được dùng để hiệu chuẩn, xác định giá trị đo của các chuẩn đo lường khác ở địa phương, tổ chức.
- Chuẩn đo lường công tác (sau đây gọi là chuẩn công tác) là chuẩn đo lường được dùng để kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo.
Điều 11. Yêu cầu cơ bản đối với chuẩn đo lường
- Yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản của chuẩn đo lường phải được thể hiện trên chuẩn đo lường hoặc ghi trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo.
- Đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn đo lường phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc được cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.
Điều 12. Yêu cầu đối với chuẩn quốc gia
- Đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 11 của Luật này.
- Chuẩn quốc gia phải được thiết lập theo quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia.
- Chuẩn quốc gia phải được phê duyệt; duy trì, bảo quản, sử dụng tại tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia.
- Chuẩn quốc gia phải được định kỳ hiệu chuẩn hoặc so sánh với chuẩn quốc tế hoặc với chuẩn quốc gia của nước ngoài đã được hiệu chuẩn hoặc đã được so sánh với chuẩn quốc tế.
Việc hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn quốc gia do tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia thực hiện.
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia.
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chuẩn quốc gia, chỉ định tổ chức giữ chuẩn quốc gia; quy định chi tiết khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Điều 13. Điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia
Tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có tư cách pháp nhân.
- Có đủ nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện các hoạt động sau đây:
- a) Giữ, duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn quốc gia theo quy định;
- b) Định kỳ hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn quốc gia theo quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật này;
- c) Hiệu chuẩn hoặc so sánh để truyền độ chính xác của chuẩn quốc gia tới chuẩn đo lường có độ chính xác thấp hơn;
- d) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về chuẩn đo lường; xây dựng phương pháp duy trì, bảo quản chuẩn quốc gia; xây dựng phương pháp đo để truyền độ chính xác của chuẩn quốc gia tới chuẩn đo lường có độ chính xác thấp hơn.
- Thiết lập sơ đồ hiệu chuẩn và trình tự, thủ tục hiệu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
- Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý để thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này.
- Được chỉ định giữ chuẩn quốc gia.
Điều 14. Yêu cầu đối với chuẩn chính, chuẩn công tác
- Đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 11 của Luật này.
- Chuẩn chính, chuẩn công tác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương hoặc tổ chức tự thiết lập.
- Việc duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn chính, chuẩn công tác được thực hiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương hoặc của người đứng đầu tổ chức giữ chuẩn đo lường này.
- Đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn chính, chuẩn công tác phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được công bố thông qua việc định kỳ hiệu chuẩn hoặc so sánh với chuẩn quốc gia hoặc với chuẩn đo lường có độ chính xác cao hơn đã được hiệu chuẩn.
- Việc hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn chính, chuẩn công tác phải được thực hiện tại tổ chức hiệu chuẩn đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 25 của Luật này.
- Chuẩn công tác dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo quy định tại khoản 2 Điều 16 phải được hiệu chuẩn tại tổ chức hiệu chuẩn được chỉ định và phải được chứng nhận phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường.
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc chứng nhận chuẩn công tác tại khoản 6 Điều này.
Điều 15. Yêu cầu đối với chất chuẩn
- Chất chuẩn phải bảo đảm tuân thủ yêu cầu đối với chuẩn đo lường quy định tại các điều 11, 12 và 14 của Luật này và các yêu cầu sau đây:
- a) Bảo đảm độ đồng nhất, độ ổn định và giá trị thuộc tính của chất chuẩn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được công bố hoặc quy định;
- b) Phải được xác nhận giá trị thuộc tính của chất chuẩn cùng với độ không đảm bảo đo của giá trị thuộc tính này;
- c) Việc xác nhận giá trị thuộc tính của chất chuẩn được thực hiện thông qua thử nghiệm hoặc so sánh tại tổ chức thử nghiệm.
- Chất chuẩn dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo quy định tại khoản 2 Điều 16 phải được chứng nhận theo quy định tại khoản 7 Điều 14 của Luật này.
CHƯƠNG III
PHƯƠNG TIỆN ĐO
Điều 16. Các loại phương tiện đo
- Phương tiện đo được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, điều khiển, điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất hoặc các mục đích khác không quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi là phương tiện đo nhóm 1) được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố.
- Phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác (sau đây gọi là phương tiện đo nhóm 2) thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Điều 17. Yêu cầu cơ bản đối với phương tiện đo
- Yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản của phương tiện đo phải được thể hiện trên phương tiện đo hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm.
- Cấu trúc của phương tiện đo phải bảo đảm ngăn ngừa sự can thiệp dẫn đến làm sai lệch kết quả đo.
- Đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.
Điều 18. Yêu cầu đối với phương tiện đo nhóm 1
- Đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 17 của Luật này.
- Phương tiện đo nhóm 1 được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo nhóm 1 do tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng phương tiện đo lựa chọn, quyết định thực hiện tại tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
Điều 19. Yêu cầu đối với phương tiện đo nhóm 2
- Đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 17 của Luật này.
- Phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát về đo lường bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:
- a) Phê duyệt mẫu khi sản xuất, nhập khẩu;
- b) Kiểm định ban đầu trước khi đưa vào sử dụng;
- c) Kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng;
- d) Kiểm định sau sửa chữa.
- Việc phê duyệt mẫu phương tiện đo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
- Việc kiểm định phương tiện đo quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này phải được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này.
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết các khoản 2, 3 và 4 của Điều này.
CHƯƠNG IV
PHÊ DUYỆT MẪU, KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
Điều 20. Phê duyệt mẫu phương tiện đo
- Phê duyệt mẫu phương tiện đo do cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền thực hiện để đánh giá, xác nhận mẫu phương tiện đo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.
- Việc thử nghiệm mẫu phương tiện đo để phê duyệt phải được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định.
Mẫu phương tiện đo có thể được miễn, giảm thử nghiệm. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc miễn, giảm thử nghiệm mẫu phương tiện đo.
Điều 21. Kiểm định phương tiện đo
- Việc kiểm định phương tiện đo do tổ chức kiểm định thực hiện để đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.
- Phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm định ban đầu trước khi đưa vào sử dụng, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, kiểm định sau sửa chữa.
Một số phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm định định kỳ bằng hình thức kiểm định đối chứng. Việc kiểm định đối chứng được thực hiện bởi tổ chức kiểm định khác thuộc Danh mục tổ chức kiểm định được chỉ định.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc kiểm định đối chứng và phương tiện đo nhóm 2 thuộc đối tượng phải được kiểm định đối chứng.
- Phương tiện đo nhóm 1 được kiểm định tự nguyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 22. Hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường
- Việc hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường do tổ chức hiệu chuẩn thực hiện để xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.
- Chuẩn công tác dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 phải được hiệu chuẩn bắt buộc.
- Chuẩn chính, chuẩn công tác không quy định tại khoản 2 Điều này và phương tiện đo nhóm 1 được hiệu chuẩn tự nguyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 23. Thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường
- Việc thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm thực hiện để xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.
- Mẫu phương tiện đo nhóm 2 phải được thử nghiệm bắt buộc trước khi phê duyệt trừ trường hợp được miễn, giảm.
- Chuẩn chính, chuẩn công tác và phương tiện đo nhóm 1 được thử nghiệm tự nguyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Điều 24. Nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
- Độc lập, khách quan, chính xác; công khai, minh bạch về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
- Tuân thủ trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã được công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền.
- Tuân thủ quy định về bảo mật thông tin, số liệu, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Điều 25. Điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
- Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- a) Có tư cách pháp nhân;
- b) Có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đối với lĩnh vực hoạt động;
- c) Có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu đối với lĩnh vực hoạt động;
- d) Đáp ứng yêu cầu về tính độc lập, khách quan;
đ) Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với lĩnh vực hoạt động;
- e) Đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền.
- Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bắt buộc phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và phải được chỉ định.
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết tại khoản 1 Điều này; quy định việc chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Điều 26. Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
- Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được xác định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý để hoàn thành công việc, phù hợp với nội dung, khối lượng, tính chất và thời hạn hoàn thành việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
- Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được xác định trên cơ sở các chi phí cơ bản sau đây:
- a) Chi phí vật tư;
- b) Chi phí nhân công;
- c) Chi phí khấu hao máy móc, thiết bị;
- d) Chi phí vận chuyển.
- Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phải được xây dựng, niêm yết công khai và theo quy định của pháp luật về giá.
CHƯƠNG V
PHÉP ĐO, LƯỢNG CỦA HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN
Mục 1
PHÉP ĐO
Điều 27. Các loại phép đo
- Phép đo được thực hiện trong nghiên cứu khoa học, điều khiển, điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất hoặc các mục đích khác không quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi là phép đo nhóm 1) được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố.
- Phép đo được thực hiện để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác (sau đây gọi là phép đo nhóm 2) phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định.
Điều 28. Yêu cầu cơ bản đối với phép đo
- Phương tiện đo, phương pháp đo, điều kiện để thực hiện phép đo, mức độ thành thạo của người thực hiện phải phù hợp với hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo hoặc phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định.
- Độ chính xác của kết quả đo phải bảo đảm được truyền từ chuẩn đo lường thông qua một chuỗi không đứt đoạn các hoạt động hiệu chuẩn, kiểm định.
Điều 29. Yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 1
- Đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 28 của Luật này.
- Phép đo nhóm 1 được thực hiện theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
- Độ chính xác của kết quả đo do tổ chức, cá nhân tự quyết định và chịu trách nhiệm thông qua thực hiện một hoặc các biện pháp sau đây:
- a) Lựa chọn, sử dụng phương tiện đo có đặc tính kỹ thuật đo lường phù hợp và tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất về phương pháp đo, vận hành và điều kiện sử dụng phương tiện đo để thực hiện phép đo;
- b) Thỏa thuận với tổ chức, cá nhân khác để thực hiện phép đo và cung cấp kết quả đo.
Điều 30. Yêu cầu về đo lường đối với phép đo nhóm 2
- Đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 28 của Luật này.
- Phép đo nhóm 2 phải được thực hiện bằng phương tiện đo nhóm 2.
- Việc thực hiện phép đo phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về phép đo nhóm 2.
Mục 2
LƯỢNG CỦA HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN
Điều 31. Phân loại hàng đóng gói sẵn
- Hàng đóng gói sẵn không thuộc Danh mục quy định tại khoản 2 Điều này được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố (sau đây gọi là hàng đóng gói sẵn nhóm 1).
- Hàng đóng gói sẵn có số lượng lớn lưu thông trên thị trường hoặc có giá trị lớn, có khả năng gây tranh chấp, khiếu kiện về đo lường giữa các bên trong mua bán, thanh toán, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, môi trường (sau đây gọi là hàng đóng gói sẵn nhóm 2) thuộc Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2.
Điều 32. Yêu cầu cơ bản đối với lượng của hàng đóng gói sẵn
- Lượng của hàng đóng gói sẵn phải phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu đi kèm và phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh công bố hoặc do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định.
- Việc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Điều 33. Yêu cầu về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 1
- Lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 1 khi sản xuất, nhập khẩu phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu quy định tại Điều 32 của Luật này.
- Lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 1 phải phù hợp với yêu cầu do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu công bố và được mang dấu định lượng trên nhãn hàng hóa do tổ chức, cá nhân đó tự quyết định.
Điều 34. Yêu cầu về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2
- Lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 khi sản xuất, nhập khẩu phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu quy định tại Điều 32 của Luật này.
- Lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường và phải có dấu định lượng trên nhãn hàng hóa theo quy định.
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2; quy định dấu định lượng và việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều này.
CHƯƠNG VI
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
TRONG HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG
Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo, chuẩn đo lường
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo, chuẩn đo lường có các quyền sau đây:
- a) Lựa chọn tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phù hợp để thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, yêu cầu về đo lường đối với chuẩn đo lường theo quy định của Luật này;
- b) Khiếu nại kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; khởi kiện hành vi vi phạm hợp đồng đã giao kết với tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;
- c) Khiếu nại, khởi kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo, chuẩn đo lường có các nghĩa vụ sau đây:
- a) Thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, yêu cầu về đo lường đối với chuẩn đo lường theo quy định của Luật này trước khi đưa phương tiện đo, chuẩn đo lường vào sử dụng;
- b) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- c) Thông tin trung thực về các đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường;
- d) Hướng dẫn khách hàng, người sử dụng về điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường;
đ) Trả chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;
- e) Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường
- Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm có các quyền sau đây:
- a) Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong phạm vi lĩnh vực đã đăng ký hoạt động;
- b) Được cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền xem xét, thừa nhận kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về đo lường theo quy định của pháp luật;
- c) Khiếu nại, khởi kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm có các nghĩa vụ sau đây:
- a) Công khai, minh bạch và tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; bảo đảm khách quan, chính xác; tuân thủ quy định về chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;
- b) Bảo mật thông tin, số liệu, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của khách hàng theo quy định, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
- c) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đo lường phải báo ngay và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;
- d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã cung cấp;
đ) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 37. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được chỉ định
- Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định có các quyền sau đây:
- a) Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong phạm vi lĩnh vực được chỉ định;
- b) Được cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền xem xét, thừa nhận kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về đo lường theo quy định của pháp luật;
- c) Khiếu nại, khởi kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định có các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật này và các nghĩa vụ sau đây:
- a) Thực hiện yêu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, trừ trường hợp bất khả kháng;
- b) Bảo đảm trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền.
Điều 38. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường
- Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường có các quyền sau đây:
- a) Yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện đo, chuẩn đo lường cung cấp thông tin, tài liệu về đặc tính kỹ thuật đo lường, điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường;
- b) Lựa chọn tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phù hợp để thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, yêu cầu về đo lường đối với chuẩn đo lường theo quy định của Luật này;
- c) Khiếu nại kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; khởi kiện hành vi vi phạm hợp đồng của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;
- d) Khiếu nại, khởi kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường có các nghĩa vụ sau đây:
- a) Thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, yêu cầu đo lường đối với chuẩn đo lường trong quá trình sử dụng;
- b) Bảo đảm các điều kiện vận chuyển, bảo quản, yêu cầu sử dụng theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu; trường hợp phát hiện sai, hỏng phải dừng việc sử dụng và thực hiện các biện pháp khắc phục;
- c) Tuân thủ yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp đối với người sử dụng phương tiện đo khi thực hiện phép đo nhóm 2 theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền;
- d) Bảo đảm điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, chuẩn đo lường, lượng hàng hóa;
đ) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- e) Trả chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Điều 39. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn có các quyền sau đây:
- a) Công bố dấu định lượng trên nhãn hàng hóa của hàng đóng gói sẵn nhóm 1;
- b) Khiếu nại, khởi kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn có các nghĩa vụ sau đây:
- a) Thông tin trung thực về lượng của hàng đóng gói sẵn;
- b) Thông báo với khách hàng, người tiêu dùng điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hàng đóng gói sẵn;
- c) Bảo đảm lượng của hàng đóng gói sẵn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định;
- d) Phải thể hiện dấu định lượng trên nhãn hàng hóa của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 theo quy định;
đ) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 40. Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động đo lường
- Người tiêu dùng có các quyền sau đây:
- a) Được cung cấp thông tin trung thực về lượng hàng hóa, phương tiện đo, chuẩn đo lường đã mua;
- b) Yêu cầu người bán hàng đáp ứng điều kiện quy định tại điểm d khoản 2 Điều 38 của Luật này để kiểm tra phương tiện đo, thực hiện phép đo, lượng hàng hóa đã mua;
- c) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về đo lường;
- d) Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trợ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Người tiêu dùng có các nghĩa vụ sau đây:
- a) Thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hoạt động đo lường của tổ chức, cá nhân xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng;
- b) Không được lợi dụng quy định về đo lường để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Điều 41. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về đo lường
- Tư vấn, phản biện, tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, quy hoạch phát triển về đo lường theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ về đo lường theo quy định của pháp luật.
- Được cung cấp thông tin về đo lường theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đo lường; vận động tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về đo lường.
- Kiến nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, giải quyết vi phạm pháp luật về đo lường.
CHƯƠNG VII
KIỂM TRA, THANH TRA , XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT
VỀ ĐO LƯỜNG
Mục 1
KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG
Điều 42. Đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường
Đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường bao gồm chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Điều 43. Nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường
- Nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường đối với chuẩn đo lường bao gồm:
- a) Kiểm tra sự phù hợp của chuẩn đo lường với yêu cầu quy định tại Điều 11 của Luật này;
- b) Kiểm tra sự phù hợp của chuẩn đo lường với yêu cầu về đo lường đối với chuẩn đo lường tương ứng quy định tại các điều 12, 14 và 15 của Luật này.
- Nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo bao gồm:
- a) Kiểm tra sự phù hợp của việc thể hiện đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này;
- b) Kiểm tra sự phù hợp của các bộ phận, chi tiết của phương tiện đo nhóm 2 với mẫu đã được phê duyệt;
- c) Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
- d) Kiểm tra đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này;
đ) Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với điều kiện về bảo quản, lưu giữ, sử dụng;
- e) Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với yêu cầu về đo lường đối với phương tiện đo tương ứng quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này.
- Nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phép đo bao gồm:
- a) Kiểm tra, xác định sự phù hợp của phương tiện đo, phương pháp đo đã sử dụng và các điều kiện đo với yêu cầu kỹ thuật đo lường;
- b) Kiểm tra sai số của kết quả đo với giới hạn sai số cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.
- Nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn bao gồm:
- a) Kiểm tra việc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa;
- b) Kiểm tra lượng hàng hóa thực tế;
- c) Kiểm tra việc thể hiện dấu định lượng.
- Nội dung kiểm tra nhà nước về đo lường đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường bao gồm:
- a) Kiểm tra việc tuân thủ các nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quy định tại Điều 24 của Luật này;
- b) Kiểm tra việc bảo đảm các điều kiện hoạt động quy định tại Điều 25 của Luật này;
- c) Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quy định tại khoản 2 Điều 36 và của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này.
Điều 44. Trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về đo lường
- Xuất trình quyết định kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra. Trường hợp quyết định kiểm tra cho phép thì thực hiện lấy mẫu để kiểm tra trước khi xuất trình quyết định kiểm tra.
- Tiến hành kiểm tra theo nội dung của quyết định kiểm tra.
- Lập biên bản kiểm tra.
- Xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại Điều 48 của Luật này.
- Báo cáo cơ quan ra quyết định kiểm tra nhà nước về đo lường.
Điều 45. Hình thức kiểm tra nhà nước về đo lường
- Kiểm tra được tiến hành theo chương trình, kế hoạch đã được cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền phê duyệt.
- Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đo lường hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 46. Cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường
- Cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước.
- Cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường trong phạm vi địa phương.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường trên địa bàn.
Điều 47. Quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường
- Cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường có các quyền sau đây:
- a) Quyết định thành lập đoàn kiểm tra;
- b) Cảnh báo nguy cơ không bảo đảm yêu cầu về đo lường của đối tượng kiểm tra;
- c) Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại Điều 48 của Luật này;
- d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyết định của đoàn kiểm tra, hành vi của thành viên đoàn kiểm tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
- Cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường có nhiệm vụ sau đây:
- a) Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra hàng năm trình cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền phê duyệt;
- b) Ra quyết định xử lý theo thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo và kiến nghị xử lý vi phạm của đoàn kiểm tra; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- c) Bảo đảm khách quan, chính xác, công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử trong hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường;
- d) Giữ bí mật thông tin, tài liệu liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra khi chưa có kết luận;
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý và việc xử lý vi phạm đã thực hiện.
Điều 48. Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra nhà nước về đo lường
- Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không phù hợp với quy định của Luật này thì đoàn kiểm tra thực hiện các biện pháp sau đây:
- a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản, duy trì, sử dụng chuẩn đo lường tạm dừng việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chuẩn đo lường đó và thực hiện ngay các biện pháp khắc phục;
- b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo tạm dừng việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo đó và thực hiện ngay biện pháp khắc phục;
- c) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn tạm dừng việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó và thực hiện ngay biện pháp khắc phục;
- d) Yêu cầu tổ chức, cá nhân tạm dừng phép đo và thực hiện ngay biện pháp khắc phục;
đ) Yêu cầu tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tạm dừng hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không phù hợp và thực hiện ngay biện pháp khắc phục.
- Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đo lường hoặc sau khi đã yêu cầu thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này mà tổ chức, cá nhân đó vẫn tiếp tục vi phạm thì đoàn kiểm tra thực hiện các biện pháp sau đây:
- a) Yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm;
- b) Niêm phong chuẩn đo lường, phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn không phù hợp quy định;
- c) Báo cáo ngay với cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ kiểm tra gửi cơ quan có thẩm quyền gồm công văn của cơ quan thực hiện kiểm tra, biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra và các giấy tờ, chứng cứ có liên quan. Hồ sơ kiểm tra là một trong các cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định;
- d) Kiến nghị cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân và những sai phạm liên quan.
- Trên cơ sở kiến nghị của đoàn kiểm tra, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân và những sai phạm liên quan.
- Trường hợp đoàn kiểm tra có thành viên là thanh tra viên khoa học và công nghệ, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, công an, quản lý thị trường hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền thì thành viên này thực hiện ngay việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 49. Kinh phí lấy mẫu kiểm tra nhà nước về đo lường
- Kinh phí lấy mẫu kiểm tra nhà nước về đo lường do cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường chi trả và được bố trí trong dự toán kinh phí hoạt động của cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường.
- Trường hợp kết luận tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đo lường thì tổ chức, cá nhân phải hoàn trả kinh phí lấy mẫu kiểm tra cho cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Mục 2
THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐO LƯỜNG
Điều 50. Thanh tra về đo lường
- Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đo lường.
- Việc thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.
Điều 51. Đối tượng và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đo lường
- Đối tượng thanh tra chuyên ngành về đo lường là tổ chức, cá nhân hoạt động đo lường.
- Thanh tra chuyên ngành về đo lường có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện pháp luật và các quy định kỹ thuật về đo lường của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường.
Điều 52. Xử lý vi phạm pháp luật về đo lường
- Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đo lường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức vi phạm pháp luật về đo lường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của pháp luật về đo lường tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Việc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về đo lường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
- Trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản này.
- Chính phủ quy định chi tiết các hành vi vi phạm hành chính về đo lường, mức xử phạt, cách tính số tiền thu lợi bất chính quy định tại Điều này.
CHƯƠNG VIII
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG
Điều 53. Trách nhiệm của Chính phủ
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước.
Điều 54. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước có trách nhiệm sau đây:
- Chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia, văn bản quy phạm pháp luật về đo lường;
- Quản lý việc thiết lập, duy trì, bảo quản và sử dụng hệ thống chuẩn đo lường;
- Tổ chức quản lý về đo lường đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn; hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;
- Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường;
- Hợp tác quốc tế về đo lường;
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đo lường;
- Tổ chức quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động đo lường;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo thẩm quyền.
Điều 55. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ
- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- a) Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia, văn bản quy phạm pháp luật về đo lường;
- b) Đề xuất các loại phương tiện đo nhóm 2, hàng đóng gói sẵn nhóm 2 và yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép đo nhóm 2 để Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;
- c) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đo lường trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc thực hiện quản lý nhà nước về đo lường đối với hoạt động đo lường đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Điều 56. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp
- Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
- a) Đề xuất, xây dựng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đo lường; xây dựng quy hoạch, kế hoạch về đo lường;
- b) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch về đo lường;
- c) Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và đầu tư trang thiết bị cho công tác quản lý đo lường;
- d) Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật về đo lường;
đ) Thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường;
- e) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đo lường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
- a) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đo lường;
- b) Thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn theo phân cấp;
- c) Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra về đo lường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
- d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.
- Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
- a) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đo lường;
- b) Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra về đo lường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
- c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 57. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.
Pháp lệnh Đo lường số 16/1999/PL-UBTVQH10 ngày 06 tháng 10 năm 1999, quy định về phí kiểm định phương tiện đo lường tại Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Điều 58. Quy định chi tiết
Chính phủ và các cơ quan khác có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI (Đã ký) |